13/11/2017 13:29
Hơn 35 năm di cư vào Nam lập nghiệp nhưng đời sống của các hộ dân quê gốc xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện trú khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài) chỉ ổn định khi có vườn cao su cho khai thác 3 đến 5 năm trở lại đây.
Anh Võ Văn Tùng, Chi hội trưởng nông dân khu phố Tân Xuân, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cho biết: Đa phần nông dân các xã Tân Hưng, Tân Phước (Đồng Phú) trước đây trồng điều. Do vườn rẫy ở cách xa nhà 15-25km, thu nhập từ vườn điều thất thường, chỉ thu hoạch vào đầu năm nên may lắm chỉ đủ trả nợ ứng trước mùa vụ nên nông dân ít đầu tư chăm sóc. Từ năm 2003, giá mủ cao su tăng dần, qua vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội và mua giống trả chậm nên đa phần các hộ đã mạnh dạn trồng xen cao su trong vườn điều nhằm lấy ngắn nuôi dài. Khi cao su khép tán thì cưa điều để tập trung chăm sóc, khai thác nên cuộc sống của nông dân cũng khá hơn.
Anh Tùng cho biết: Nếu so với cây điều thì thu hoạch từ cao su những năm gần đây cao hơn nhiều, năng suất ổn định. Cao su thu hoạch 10 tháng/năm nên người dân có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, không phải vay ăn trước, trả sau. Trồng cây điều nhiều năm nên đa phần người dân chỉ chuyển đổi 1/2-2/3 tổng diện tích sang trồng cao su. Khi cao su cho thu hoạch, nông dân có vốn lại đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn điều nên năng suất, sản lượng ngày một tăng. Nhiều hộ tiết kiệm mua thêm rẫy, mở rộng diện tích cây trồng. Điển hình như hộ anh Ngô Văn Cư ở khu phố Tân Xuân, 20 năm trước chỉ có 2 ha điều, nay gia đình anh sở hữu thêm 7 ha cao su. Thu nhập từ cao su vợ chồng anh Cư có điều kiện đầu tư cho 2 con gái học đại học. Anh Cư tâm sự, vì nghèo phải ly hương nhưng hiện cuộc sống đã có của ăn của để. Tất cả đều nhờ vào cây cao su!
Sự thay đổi ở những xóm nổi tiếng trồng hồ tiêu của 3 thập niên cuối thế kỷ XX là minh chứng rõ nhất cho việc đổi đời nhờ cao su. Đó là những khu dân cư sống men theo các con suối giáp ranh vườn cao su Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, những làng trồng tiêu trước đây nay được phủ bằng màu xanh bạt ngàn của cao su. Điển hình có gia đình ông Lê Văn Dạo ở khu phố Ninh Thành (thị trấn Lộc Ninh), cuộc sống ổn định khi 1 ha cao su trồng xen trong vườn điều cho thu hoạch. Nay giá cao su giảm chỉ bằng 2/3 của năm 2013 nhưng thu nhập của hộ ông Dạo vẫn cao hơn so với 1 ha điều trước đây.
Tránh vòng luẩn quẩn
Khi xem truyền hình và đọc một số tờ báo phản ánh nông dân ồ ạt chặt cao su để trồng các loại cây khác, chị Nguyễn Thị Thoa ở xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) không khỏi ngạc nhiên. Bởi gia đình chị Thoa có 1 ha cao su năm thứ 10, mật độ trồng chỉ hơn 400 cây nhưng hàng tháng thu về 10 triệu đồng, trừ chi phí công cạo, phân bón vẫn lãi 4-5 triệu đồng/tháng. Chị Thoa cho rằng: Ưu điểm của vườn cây là trồng trên đất đỏ bazan, đang độ tuổi cho mủ nhiều, giống mới hoàn toàn. Với giá hiện nay, người trồng cao su ở Bình Phước vẫn sống khá, chúng tôi không quay lưng với “vàng trắng” như báo chí đưa tin.
Khó khăn nhất là những vườn cây đủ tuổi đưa vào khai thác trong năm nay, sản lượng còn thấp (từ 0,7 đến 0,9 tạ/ha), người trồng phải đầu tư tô, máng, màng chắn và tiền thuê công nhân giỏi mở miệng cạo đầu tiên. Với giá mủ bình quân 6 tháng đầu năm 2014 là 290 đồng/độ (29 triệu đồng/tấn mủ khô), với những trang trại cao su mới đưa vào khai thác năm đầu tiên sẽ cầm chắc lỗ. Đa phần những vườn cây này đều phải chờ khi giá mủ tăng mới mở miệng cạo.
Trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh cao su năm 2014 khó khăn nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phấn đấu đạt lợi nhuận 5 triệu đồng/tấn, với giá bán bình quân 40-45 triệu đồng/tấn. Theo đó, nếu giá bán giảm thấp hơn thì các công ty trực thuộc VRG phải tính toán giảm giá thành sản xuất để đạt lợi nhuận trên, cùng với bảo đảm tiền lương cho người lao động bằng 85% so năm 2013.
Hiện toàn tỉnh có 232 ngàn ha cao su, trong đó hơn 144 ngàn ha đang kinh doanh, năng suất bình quân gần 1,9 tấn/ha, trong đó doanh nghiệp nhà nước sở hữu hơn 90 ngàn ha, còn lại cao su của doanh nghiệp tư nhân và tiểu điền. So sánh năng suất cao su ở Bình Phước cao hơn 5-6 tạ/ha so bình quân của cao su ở miền Trung, Tây nguyên. Đây cũng là minh chứng cho việc sản xuất – kinh doanh cao su ở Bình Phước vẫn còn khấm khá hơn rất nhiều so các địa phương khác.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2014, diện tích cao su chặt, thanh lý và chuyển đổi của cả nước là 3.856 ha, trong đó 3.123 ha già cỗi hoặc bị bão, gió lốc làm gãy đổ, không thể phục hồi. Diện tích cao su kiến thiết cơ bản bị chặt đều nằm trên phần đất xấu, không phù hợp để phát triển. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần thông tin để nông dân hiểu rõ bản chất vấn đề, kiên trì không chặt cao su, đặc biệt ở vùng trọng điểm quy hoạch Đông Nam bộ.