18/11/2016 07:38
Giá cao su thiên nhiên đã trải qua 3 năm liên tiếp “nguội lạnh”, song các dự báo mới nhất cho thấy, mặt hàng “vàng trắng” có thể sẽ “ấm” lên trong năm 2016.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ chạm đáy vào quý IV/2015 trước khi phục hồi trở lại bắt đầu từ năm 2016. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá cao su sẽ phục hồi từ nay đến năm 2025. Theo dự báo mới nhất của WB, giá cao su RRS3 năm 2015 chạm đáy với mức giá bình quân là 1,5 USD/kg và dần phục hồi vào năm 2016, có mức giá bình quân là 1,54 USD/kg, đến 2025 là 2,09 USD/kg. Theo phân tích của IMF và WB, giá cao su thiên nhiên hồi phục nhờ vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, nguồn cung cao su thế giới được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới do các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng. Tổng sản lượng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (chiếm khoảng 92% tổng sản lượng toàn cầu) năm 2014 giảm 1,9% so với năm 2013 và năm 2015 tiếp tục thấp hơn 0,9% so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên trong vòng ít nhất một thập kỷ, sản lượng giảm trong 2 năm liên tiếp.
Nguyên nhân do nông dân ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đều thu hoạch cầm chừng mủ cao su, thậm chí nhiều người bỏ không thu hoạch. Mặt khác, ảnh hưởng của El Nino trong cuối năm 2015 – giữa năm 2016 được dự báo gây tình trạng khô hạn và thiếu nắng tại Thái Lan, Indonesia, sẽ làm giảm sản lượng mủ. Thái Lan đang áp dụng chính sách giảm diện tích trồng cao su và hạn chế cạo mủ. Năm 2015, Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan ước tính sản lượng mủ cao su đạt 4,2 triệu tấn, giảm so với mức 4,4 triệu tấn năm 2014. Indonesia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, có thể giảm 10% trong năm 2015.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cao su Indonesia, Moenardji Soedarg, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi El Nino và khói mù ảnh hưởng tới năng suất và diện tích cao su nước này. Nhưng nguyên nhân chính là do giá cao su liên tục ở mức thấp nên nông dân chặt cây cao su để trồng cây khác hoặc bán gỗ cao su để bù đắp thu nhập. Ở Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 5 thế giới, sản lượng dự báo sẽ giảm 13,4% xuống 610.000 tấn.
Trong năm 2015, Thái Lan đã vận động VN tham gia Công ty Cao su Quốc tế (IRCo) nhằm bình ổn giá cao su trên thị trường thế giới. IRCo được thành lập năm 2004 bởi Thái Lan, Indonesia và Malaysia với số vốn 225 triệu USD. Năm 2015, chỉ riêng ba nước này đã sản xuất hơn 8 triệu tấn cao su thiên nhiên, chiếm 66,5% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng cao su của VN năm 2015 đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, xếp thứ 3 toàn cầu.
N.P
Thứ hai, các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn trên thế giới đang tổ chức thực hiện liên kết, quản lý nguồn cung cân đối phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và các tác nhân khác trong ngành cao su. Tại phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên năm 2015, các Bộ trưởng đã nhất trí giao cho Ban thư ký Hiệp hội thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường, sớm đưa ra các giải pháp hiệu quả để cân đối cung – cầu, ổn định giá cả trên thị trường và đặc biệt thành lập sàn giao dịch chung để quản lý nguồn cung và điều phối thị trường cao su.
Thứ ba, tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể. Tính tới cuối tháng 10/2015, lượng tồn kho cao su thế giới là 1,84 triệu tấn, giảm từ 2,06 triệu tấn từ cuối năm 2014.
Thứ tư, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Đáng chú ý, năm 2015 ngành sản xuất ô tô năng lượng mới của Trung Quốc rất phát triển với số lượng sản xuất tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và thay Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ ô tô năng lượng mới.
Với tương lai khả quan của ngành cao su thế giới, xuất khẩu cao su của VN được kỳ vọng có triển vọng tốt hơn trong năm 2016, sau khi giảm sâu trong 2015. Trong năm 2015, xuất khẩu cao su của VN đạt trên 1,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD. Lượng xuất khẩu cao su của VN tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc.